Đền Cửa Ông tọa lạc ở trên 1 ngọn núi thấp, với mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long xinh đẹp. Đền Cửa Ông nổi tiếng linh thiêng không chỉ là với người dân ở Quảng Ninh mà nó còn được người dân trên cả nước biết tới. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem ngôi đền này thờ ai mà linh thiêng đến vậy, và nghe những chia sẻ về kinh nghiệm đi lễ đền Cửa Ông nhé!
Giới thiệu về đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thờ ai?
Đền Cửa Ông thờ Đức Ông Đệ Tam Cửa Suốt – hay Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (người con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo). Ông là 1 người có công lao lớn trong việc bảo vệ vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Qua đó đã giúp cuộc sống của người dân nơi đây được bình yên.
Ngoài ra, nơi đây còn thờ cả các danh tướng và gia quyến nhà Trần như: Trần Quốc Tuấn, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, và Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu,..
Sự tích đền Cửa Ông
Trong Công Đồng Trần Triều, thì Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là Đức Thánh Tam thuộc hàng Tứ Vị Vương Tử. Ông còn có danh hiệu là Đông Hải Hưng Nhượng Vương. Khi xét công thì ông được phong làm Tiết độ sứ. Thuận Thánh Hoàng Hậu là vợ vua Trần Anh Tông chính là con gái của Đức Thánh Tam.
Về lược sử cuộc đời, thì Đức Thánh Tam có tên húy là Trần Quốc Tảng. Ông sinh năm 1252, và mất năm 1313, con trai thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và bà Nguyên Từ Quốc Mẫu. Ông là người đã có công trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 2.
Theo sử sách ghi lại, thì khi nghe tin đại quân do Trần Hưng Đạo chỉ huy đã không chống cự nổi với thế lực mạnh của địch. Ông cùng với 3 vị vương tướng khác là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn, cùng Minh Hiến vương Trần Quốc Uất và Hưng Trí vương Trần Quốc Hiện đốc suất 20 vạn quân từ các xứ tụ tập về Vạn Kiếp chi viện, và theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống lại quân Nguyên bạo tàn.
Sử sách có ghi rằng Trần Quốc Tảng bị đày ra Tĩnh Bang vì tội bất trung, và bất hiếu. Nguyên chỉ vì 1 câu nói buột mồm khi đang họp, muốn nói về sự mất đoàn kết trong nội bộ họ Trần: “Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước”.
Năm Trùng Hưng thứ tư (năm 1288), quân Nguyên lại kéo sang xâm lược nước ta. Hưng Nhượng Vương lúc bấy giờ đang trấn giữ cửa Suốt, đã xin triều đình lập công chuộc tội. Được chuẩn tấu, ông tiến quân lên đánh thẳng vào trại của địch đóng ở sông Bạch Đằng và chiến thắng oanh liệt. Từ đó, thì ông được cử là Suất Ti Tuần Đại An, và trấn giữ cửa bể Suốt.
Do công lao to lớn của ông, mà vua Trần Anh Tông đã phong tước hiệu Hưng Nhượng Vương cho Trần Quốc Tảng. Tới khi vua Trần Minh Tông lên ngôi, vua đã truy tặng cho Trần Quốc Tảng chức Thái úy. Cùng với công lao to lớn trong việc trấn giữ biên ải ở cửa biển nên người ta suy tôn ông thành: Đức Đệ Tam Phó Súy Đông Hải Đại Vương Trần Quốc Tảng.
Địa chỉ đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh, nằm trên đồi khi 9A, thuộc phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đây được coi là vị trí thiên thời địa lợi, sơn thuỷ hữu tình, với tầm nhìn rộng mở hướng ra Vịnh Bái Tử Long xanh mát.
Ngôi đền này đã tồn tại hơn 700 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu và xây dựng lại. Từ năm 1907 đến 1916, đền Cửa Ông đã được trùng tu và mở rộng, bổ sung thêm các phân khu như Thượng, Trung và Hạ, cùng với việc xây dựng thêm chùa và lăng mộ Trần Quốc Tảng. Đến năm 2017, quần thể di tích đền Cửa Ông đã hoàn thành, rộng lớn trên diện tích 18,125 hecta.
Đền Cửa Ông được chia thành các phân khu như Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Cặp Tiên. Mỗi phân khu đều có những linh thiêng và lễ nghi riêng biệt, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia.
Kinh nghiệm đi lễ đền Cửa Ông
Thời gian đi lễ đền Cửa Ông
Lễ hội đền Cửa Ông được tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng âm lịch, trùng với ngày Tết Nguyên đán của nước ta. Lễ hội sẽ kéo dài trong vòng 3 tháng, đến hết tháng 3 thì mới kết thúc. Vì vậy, bạn có thể đến đền Cửa Ông vào bất kỳ thời điểm nào trong 3 tháng âm lịch để tham gia lễ hội.
Chính hội sẽ diễn ra vào ngày mùng 3/2 âm lịch, là thời điểm mà lễ hội tưng bừng nhất. Đây không chỉ là thời điểm sẽ diễn ra lễ rước tượng mà còn được tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian. Tuy nhiên, hội này thì không được tổ chức thường niên mà chỉ 2 năm một lần.
Đi lễ đền Cửa Ông cầu gì?
Đức Thánh Tam là 1 vị thánh linh thiêng và được nhân dân vô cùng tôn kính. Đến đền Cửa Ông để cúng lễ thì trước tiên bạn phải thành tâm. Có lòng thành tâm thì Đức Thánh mới có thể chứng cho, xin được mọi việc đều dễ. Trước cửa đền Đức Thánh Tam, bạn nên cầu tài, cầu lộc, và cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu may mắn. Còn đối với những việc như là cầu duyên, giải hạn, hay lễ căn, lễ quả là hoàn toàn không được.
Bên cạnh đó, thì mỗi khi đến mùa thi quan trọng, thầy cô, và phụ huynh cùng các em học sinh cũng đến đây để cầu may mắn và đỗ đạt.
Sắm lễ đền Cửa Ông
Quần thể đền Cửa Ông thì bao gồm cả đền và chùa, vì thế mà bạn nên sắm cả lễ chay, lễ mặn và lễ đồ sống để có thể dâng lên các ban.
- Lễ chay: Lễ chay thì bạn cần sắm hương, các loại hoa quả (theo số lẻ), rượu, bánh kẹo, và tiền vàng, vàng mã dùng để lễ Phật hay là dâng Thánh Mẫu để thể hiện lòng thành kính.
- Lễ mặn được bày ở ban Công Đồng (ngũ vị Quan Lớn), bao gồm có gà, 1 khẩu thịt lợn, giò, chả… đã được nấu chín và được bày biện cẩn thận.
- Lễ đồ sống: Gồm có trứng, gạo, muối hoặc là thịt mồi (1 miếng thịt lợn khoảng vài lạng). Đây là lễ để dành riêng cho việc dâng cúng quan Ngũ Hổ, Bạch xà, và Thanh xà đặt ở hạ ban Công Đồng Tứ phủ. Theo lễ thường thì sẽ gồm 5 quả trứng vịt sống đặt trong 1 đĩa muối, gạo, 2 quả trứng gà sống đặt trong 2 cốc nhỏ, 1 miếng thịt mồi được khía (không đứt rời) thành 5 phần, để sống. Kèm theo lễ này thì bạn cũng có thêm tiền vàng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, thì bạn nên chuẩn bị thêm 1 số lễ như sau:
- Cỗ mặn sơn trang: Gồm đồ đặc sản Việt Nam như: cua, lươn, ốc, ớt, chanh… Nếu có gạo nếp cẩm nấu xôi chè thì cũng thuộc vào phần lễ này. Theo lệ thường, khi sắm lễ mặn sơn trang, thì người ta thường sắm theo con số 15 như: 15 con ốc, 15 con cua, 15 quả ớt, chanh hoặc là có thể chỉ cần 1 quả nhưng sẽ được khía ra làm 15 phần… Con số 15 này sẽ tương ứng với 15 vị được thờ tại ban sơn trang ( gồm 1 vị chúa, 2 vị hầu cận, và 12 vị cô sơn trang).
- Lễ thần Thành Hoàng: Thường sẽ dùng lễ mặn gồm: chân giò lợn luộc, xôi, và rượu, tiền, vàng…
- Lễ ban thờ cô, thờ cậu: Thường sẽ gồm oản, quả, hương hoa, cùng hia, hài, nón, áo, gương, lược… Nghĩa là các đồ mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Những lễ vật này sẽ cầu kỳ, nhỏ, đẹp và cũng được để trong những túi nhỏ xinh xắn, và đẹp mắt.
Văn khấn đền Cửa Ông
Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy và lặp lại 3 lần)
– Con xin kính lạy Tứ phủ Công Đồng Trần Triều
– Con xin kính lạy Nguyên Từ Quốc Mẫu Thiên Thành Thái Trưởng Công.
– Con kính lạy Đức Trần Triều hiển thánh Nhân vũ Hưng Đạo Đại Vương Đại Nguyên soái, cùng Tổng quốc chính, Thái sư Hương phụ Thượng quốc công tiết chế, và Lịch triều tấn tặng khai quốc an chính hồng đồ tá trị hiện linh trác vĩ, cùng Minh đức trĩ nhân, Phong huân hiên liệt, Dực bảo trung hưng, Chí trung đại nghĩa, Thượng đẳng tôn thần, Ngọc bệ tiền.
– Con kính lạy 4 vị Thánh tử đại vương, và 2 vị vương cô Hoàng Thánh.
– Con kính lạy Đức ông phạm điệu suý tôn thần, cùng tả quan Nam Tào, và Hữu quan Bắc Đẩu, Lục bộ thượng từ, cùng chư vị bách quan.
Hương tử con tên là: …………………..Ngụ tại: ……………….
Hôm nay ngày lành tháng tốt ……Hương tử con chấp kỳ lễ bái cầu xin các vị phù hộ độ trì cho hương tử con cùng với toàn gia quyến được luôn mạnh khỏe. Đầu năm chí giữa, nửa năm chí cuối luôn được tai quan nạn khỏi, và điều lành mang đến, còn điều giữ giải đi, cầu tài đắc tài, và cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an. Xin cho con được có người có cửa, cùng được nhân an vật thịnh đi đến nơi về đến chốn, và làm ăn được thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý.
Hương tử con lễ bạc tâm thành, đứng trước án kính lễ, và cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy và lặp lại 3 lần)
Lưu ý khi đi lễ đền Cửa Ông
Trình tự khi đi lễ tại đền Cửa Ông Khi là người ta thường sẽ viết văn khấn cầu tài lộc ở Cửa Ông, tức là ở Đền Thượng trên đỉnh của quần thể di tích. Còn ghi số cầu an ở ngay bên phải chùa, ghi số cầu Tài Lộc thì ở Cửa Mầu – Chùa Hạ ngay dưới chân núi, chỗ bãi gửi xe.
Khi đi lễ ở Đền Cửa Ông, thì mọi người cần lưu ý đầu tiên là lễ ở Miếu Quan Châu, đó là 1 ngôi miếu nhỏ (ở bên trái chánh điện) thờ Quan Châu. Chúng ta Lễ ở đây cũng có nghĩa như là vào đăng ký ở phòng Lễ tân để gặp Thủ trưởng vậy.
Khi đến thăm viếng, và chiêm bái đền Cửa Ông Quảng Ninh, thì các bạn cần lưu ý 1 số điều sau:
- Ăn mặc lịch sự, gọn gàng, không được ăn mặc hở hang, loè loẹt, và phản cảm để tránh làm ô uế chốn tâm linh
- Đi đứng nhẹ nhàng, nói chuyện cần nhỏ nhẹ, tắt điện thoại khi làm lễ
- Lượng khách đến đây khá đông, và đặc biệt trong những ngày lễ nên cần phải hạn chế việc đốt vàng mã. Tiền lẻ thì nên để ở trong các hòm công đức.
- Không được tự tiện chạm vào các đồ vật trong đền.
Nơi nào bạn muốn đi ngày hôm nay?